8 năm liền không có 30 Tết, vì sao, đã từng xảy ra chưa, và khi nào lập lại?

Advertise-1

Vì sao 8 năm liền không có 30 Tết?

Trước thềm Tết Ất Tỵ 2025, nhiều người quan tâm đến một hiện tượng thú vị khi đó là năm khởi đầu cho chuỗi 8 năm không có 30 Tết, và phải đến Tết Quý Sửu 2033 mới có ngày 30 Tết trở lại. Hay nói cách khác, từ năm Giáp Thìn 2024 đến năm Tân Hợi 2031, tháng Chạp đều là tháng thiếu (chỉ có 29 ngày).

Tháng Chạp thiếu có thể mang lại cảm giác Tết đến nhanh hơn, nhưng tháng thiếu thì là điều bình thường trong Âm Lịch. Chu kỳ tháng Âm Lịch có thời gian trung bình khoảng 29,53059 ngày, và việc một tháng có 29 hay 30 ngày tùy thuộc vào việc điểm Sóc được tính cho ngày nào (mọi người có thể xem lại những khái niệm cơ bản trong cách tính Lịch Âm của Việt Nam ở đây).

Lấy ví dụ cụ thể với tháng Chạp Giáp Thìn 2024, Mùng Một tháng này rơi vào ngày 31/12/2024 vì điểm Sóc xuất hiện vào 5h27 sáng hôm đó (theo AstroPixels). Ngày Mùng Một tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025 rơi vào ngày 29/1/2025 vì điểm Sóc xuất hiện lúc 19h36 tối hôm đó. Tính ra thời gian giữa 2 điểm Sóc này là 29,590 ngày (29 ngày, 14 giờ, 9 phút).

Giả sử điểm Sóc thứ hai kéo sang đến 0h00 ngày 30/1/2025, ngày đó sẽ được tính là Mùng Một tháng Giêng, và tháng Chạp năm Giáp Thìn sẽ là tháng đủ (có 30 ngày). Lúc đó khoảng thời gian giữa 2 điểm Sóc sẽ là 29,77291 ngày (29 ngày, 18 giờ, 33 phút). Điều giả sử này là khả thi vì khoảng thời gian giữa 2 điểm Sóc dao động khá lớn, từ 29,26 đến 29,80 ngày.

Để hiểu rõ hơn về mức dao động của chu kỳ Mặt Trăng, hãy cùng điểm qua thống kê độ dài chính xác của các tháng Âm Lịch trong năm Ất Tỵ 2025:

  • Tháng Giêng: 29,590 ngày
  • Tháng 2: 29,426 ngày
  • Tháng 3: 29,365 ngày
  • Tháng 4: 29,313 ngày
  • Tháng 5: 29,311 ngày
  • Tháng 6: 29,361 ngày
  • Tháng 6 nhuận: 29,459 ngày
  • Tháng 7: 29,575 ngày
  • Tháng 8: 29,605 ngày
  • Tháng 9: 29,765 ngày
  • Tháng 10: 29,789 ngày
  • Tháng 11: 29,756 ngày
  • Tháng Chạp: 29,589 ngày

Và so sánh với thống kê năm Bính Tuất 2006:

  • Tháng Giêng: 29,428 ngày
  • Tháng 2: 29,405 ngày
  • Tháng 3: 29,395 ngày
  • Tháng 4: 29,404 ngày
  • Tháng 5: 29,444 ngày
  • Tháng 6: 29,518 ngày
  • Tháng 7: 29,610 ngày
  • Tháng 7 nhuận: 29,691 ngày
  • Tháng 8: 29,728 ngày
  • Tháng 9: 29,711 ngày
  • Tháng 10: 29,655 ngày
  • Tháng 11: 29,583 ngày
  • Tháng Chạp: 29,509 ngày

Như chúng ta thấy ở ví dụ trên, khoảng thời gian giữa 2 điểm Sóc cũng dao động lên xuống gần giống dạng hình sin, nhưng khoảng thời gian đó không cố định dài hay ngắn trong cùng kỳ các năm.

Sự dao động theo chu kỳ không hề chẵn năm của Mặt Trăng, những số thập phân lẻ của mỗi chu kỳ, cũng như việc áp vào những quy tắc làm lịch do chúng ta quy ước khiến cho hiện tượng 8 năm liền có tháng Chạp thiếu diễn ra một cách ngẫu nhiên và không có quy luật nào. Trên nhiều bài báo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này cũng đều khẳng định rằng hiện tượng này chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, việc tìm ra quy luật là bất khả thi.

Hiện tượng này đã từng xảy ra chưa, và khi nào lập lại?

Mặc dù 8 năm liền có tháng Chạp thiếu là một hiện tượng kỳ thú nhưng trước đây hiện tượng này đã từng diễn ra và được dự báo sẽ còn diễn ra nữa trong tương lai. Theo bộ công cụ tính Lịch Âm của HAHTech với cả 2 nguồn dữ liệu điểm Sóc được giải thích ở đây, 8 năm từ Nhâm Dần 1962 đến Kỷ Dậu 1969 cũng đều có tháng Chạp thiếu. Tương tự là 8 năm từ Kỷ Mùi 1679 đến Bính Dần 1686, hay 8 năm từ Đinh Tỵ 1617 đến Giáp Tý 1624. Dự báo hiện tượng này sẽ còn diễn ra từ Kỷ Sửu 2369 đến Bính Thân 2376.

Nhưng đúng là từ 500 năm trước đến 500 năm sau năm 2000 (HAHTech chưa xét ngoài phạm vi này vì khả năng sai số cao hơn), không thấy chuỗi nào nhiều hơn 8 năm mà tháng Chạp đều thiếu.

Hướng dẫn tra cứu những năm nào không có 30 Tết

Dù không thể biết quy luật của những năm có tháng Chạp thiếu, HAHTech vẫn hỗ trợ thống kê những năm như vậy bằng một mini-tool bên dưới, trích xuất từ app Lịch Ta. Mọi người sẽ có những lựa chọn nhập dữ liệu đầu vào như sau:

  • Năm: Là số nguyên dương. Nếu cần tra cứu năm Trước Công Nguyên, hãy đánh dấu TCN trong lựa chọn bên dưới
  • TCN hoặc SCN: Là lựa chọn Trước Công Nguyên hoặc Sau Công Nguyên
  • Nguồn dữ liệu điểm Sóc: Là lựa chọn nguồn dữ liệu điểm Sóc được sử dụng. Lựa chọn này sẽ được giải thích kỹ hơn ở đây

Sau khi nhập dữ liệu đầu vào, mọi người đã có thể nhấn nút "Tra cứu". Nếu có lỗi nhập chưa đúng, hệ thống sẽ yêu cầu nhập lại.

Kết quả mọi người nhận được sẽ là danh sách những năm (tính theo Dương Lịch tương ứng Âm Lịch) có tháng Chạp thiếu, trong vòng 100 năm kể từ năm được chọn tra cứu.

Nếu năm nào chưa có dữ liệu Lịch Âm, kết quả sẽ hiển thị số 0 với năm đó.

Tra Những Năm
Tháng Chạp Thiếu